Thương mến tặng các bạn đồng hành năm ấy

Tình hình này chắc sớm nhất cũng phải tháng 7 may ra mới yên tâm đi chơi được. Mà nước an toàn và hợp nhất cho tháng 7 có lẽ là Mông Cổ. Dịp đó có lễ hội Nadaam, trăm hoa đua nở, đủ ấm để tắm hồ, đủ lạnh để đốt lửa nướng thịt, ăn món boodog trứ danh.
Các bạn có thể tham khảo đổi hộ chiếu chưa hết hạn tại hà nội của Gody.vn - mức phí bảo hiểm du lịch trong nước
Giới thiệu hành trình du mục 17 ngày của bọn mình (dành cho các bạn đi và đọc kỹ). Lịch trình và bản đồ cung đường ở trong phần ảnh, box thông tin ở cuối bài.
HÀNH TRÌNH DU MỤC
(Thương mến tặng các bạn đồng hành năm ấy)

Một buổi chiều hè bên dòng Mekong, ngồi chuyện phiếm với David Dagley, một nhà văn Mỹ, tôi đã rất ngạc nhiên khi anh bảo, trong số hơn 80 nước đã từng qua, ấn tượng nhất với anh là Mông Cổ. Hỏi vì sao, anh giải thích “bởi đó là một miền đất mà thiên nhiên chưa bị động chạm”. Một người đến từ Alaska, nơi thiên nhiên bao la đất rộng người thưa nhất nước Mỹ mà còn nói vậy thì quả là một cú hích cuối cùng khiến tôi thêm quyết tâm lên đường đến với đất nước thảo nguyên ngay sau đó 2 tháng.
Chúng tôi đi theo hành trình từ miền Trung, đi xuống Nam, vòng lên Tây Bắc rồi lại trở về Thủ đô thành một vòng khép kín để có thể trải nghiệm hầu hết sắc thái phong phú đa dạng đến mức đối nghịch của thiên nhiên và cuộc sống đất nước này. Rong ruổi gần 4000km từ thành phố ra thảo nguyên, xuyên sa mạc, lên rừng taiga, từ núi lửa qua sông băng, giữa hoang mạc khô khát hay bên bờ hồ xanh mát..., chúng tôi đã lần lượt được nếm trải mọi hương vị và cung bậc của cuộc sống phóng khoáng giữa thiên nhiên hoang dã, của một nền văn hoá du mục độc đáo. Lúc hoà mình vào lễ hội Nadaam đặc sắc, khi viếng thăm những tu viện Lạt ma cổ. Lúc ở khu trại của người nuôi cừu, lúc ghé thăm một gia đình nuôi tuần lộc. Khi cưỡi lạc đà giữa sa mạc Gobi nóng bỏng, lúc phi ngựa bên Hồ Trắng lộng gió. Hôm trước còn vã mồ hôi leo núi lửa, hôm sau đã run rẩy xuyên sông băng. Buổi chiều cưỡi thuyền xuyên bão trên hồ Khuvsgol, sáng sau đã tung tăng giữa đồng nội tưng bừng hoa nở bên bờ nước trong như pha lê… Một hành trình du mục 17 ngày đêm nhiều gian nan vất vả, nhưng đầy cảm xúc hứng khởi, và những gì thu vào tầm mắt, lưu lại trong tâm tưởng đã bù đắp tất cả.
Những nẻo đường cỏ hoa
Mông Cổ quá rộng lớn (diện tích hơn 1,5 triệu km2), mà dân số thì chưa đầy 3 triệu người, các điểm dân cư cách xa nhau cả ngày đường nên cách tốt nhất là thuê xe riêng để tiết kiệm thời gian và nhìn ngắm được tối đa phong cảnh. Chúng tôi thuê cậu Ooggi, một guide (HDV) kiêm nấu ăn cùng 2 lái xe : một xe Landcruise Nhật và một xe van Nga. Chiếc xe van Nga UAZ có lẽ là một hình ảnh đặc trưng của thảo nguyên Mông Cổ. Tuy thô kệch xấu xí nhưng hoá ra nó lại đắc dụng nhất ở đây: chạy khoẻ, chở được nhiều đồ, dễ dàng băng mọi địa hình. Nhược điểm duy nhất của nó là 2 hàng ghế ngồi quay mặt vào nhau như trên toa tàu hoả vậy. Dân bản địa có vẻ đặc biệt kết loại xe này vừa để chở khách du lịch và để cả nhà đi dã ngoại. Đường sá Mông Cổ chỉ có rất ít trục chính là đường nhựa, dễ có đến ¾ quãng đường xe chạy trên những con đường thiên nhiên “trăm làn’ phóng túng băng ngang xẻ dọc trên núi đồi, thảo nguyên và sa mạc. Thảo nguyên mênh mông, mỗi xe chạy một kiểu tạo nên rất nhiều những vệt mòn ngoằn ngoèo vui mắt đan xen trên mặt cỏ. Khách bối rối không biết đi đường nào mới đúng. Lái xe cứ thản nhiên chạy, cũng có lúc nhầm, lại lộn lại hoặc phải đứng chờ nhau vì nhiều vùng không có sóng điện thoại. Cũng vì kiểu chạy này mà có lần xe tôi bị xe chở HDV và đồ ăn để lạc mất, phải bỏ bữa trưa.
Mỗi ngày chúng tôi chạy trung bình gần 300km. Đường xấu, xe xóc, bụi bặm, nóng lạnh thất thường, nhưng bù lại đoàn lữ hành luôn được mãn nhãn với những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ lướt qua bên cửa kính. Mà gây cảm xúc đặc biệt là những cánh đồng hoa hoang dã muôn màu trải dài bất tận, đây đó lấp ló những con thú hoang như sóc chuột, nhím. Thảo nguyên mùa hè nhiệt tình khoe sắc với hàng trăm loại hoa cỏ (có tên và không tên). Thỉnh thoảng cả xe lại ồ lên xuýt xoa đòi dừng lại chụp hình: khi là một dải đồi xanh ngút mắt, điểm những mái nhà đủ màu tím hồng vàng đỏ, đó đây từng đàn dê đen cừu trắng nhởn nhơ gặm cỏ, lúc là cả cánh đồng hoa cải vàng, hoa dại tím hồng hoặc trắng muốt chạy dài tít tắp. Thích nhất là những khi gặp các dải hoa đồng nội đủ màu rộn ràng chen giữa cỏ xanh, thường có ở những hẻm núi, bên suối, ven hồ nên rất tiện để dừng chân nấu ăn ngả bữa, nghỉ ngơi, tận hưởng cái cảm giác “chỉ mình ta với thiên nhiên” mà khó nơi nào có được.
Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng hiền hoà. Nhớ ngày đầu tiên khi đi vào một khe núi xanh tốt, tôi đã gặp những cây bụi trông như ngải cứu, vừa động vào thì đau buốt như dao cắt, nhức nhối cả ngày.
Con đường thiên lý miên man với cỏ hoa thỉnh thoảng lại đưa chúng tôi qua những thị trấn nhỏ xíu màu sắc sặc sỡ khiến đường xa cũng bớt phần đơn điệu. Các thành phố giữa thảo nguyên thường là những cụm nhà một tầng, màu sắc vô cùng rực rỡ với những mái nhà đủ màu: xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, da cam. Mỗi cụm nhà , khoảng một đôi chục nóc, thường được quây bằng rào gỗ thông, được gọi là block. Bao quanh các block là những con đường lầm bụi và xanh um cỏ dại, được gọi là phố. Những thị trấn này rất ăn ảnh, đặc biệt nếu nhìn từ xa hoặc từ trên triền đồi dốc. Đôi khi chúng tôi được nghỉ lại trong những thành phố đó, còn phần lớn là nghỉ tại các khu trại của dân du mục. Nhưng dù ở đâu thì cũng vẫn là ngủ trong nhà lều.
Mái lều du mục
Lều (ger) là một phần không thể thiếu của nên văn hoá du mục. Những mái lều tròn màu trắng, toả khói lam chiều giữa xanh tươi đồng cỏ hay nâu đỏ sa mạc cứ man mác một nỗi buồn đơn côi có lẽ là hình ảnh trữ tình nhất của miền đất này. Lều Mông Cổ cửa rất thấp, nên chúng tôi thường xuyên được xơi món đặc sản "cộc đầu". Không một đứa nào thoát và không ngày nào không bị, thậm chí ngày va vài phát là thường. Bất kể cao hay thấp, béo hay gày, cẩn thận hay hậu đậu hễ đã đến thăm Mông Cổ thì kiểu gì bạn cũng sẽ bị cộc đầu với cái cửa lều chỉ cao tầm 1,2m. Lều là một khung gỗ tròn đường kính tầm 6-7m, được ráp nối từ những thanh gỗ chuốt nhẵn sơn vẽ hoa văn rất vui mắt, mái lợp bạt, xung quanh chèn lông lạc đà ép, phía trong treo thảm hoặc quây bằng vải hoa để giữ ấm và trang trí. Trên nóc có cửa tròn lấy sáng và thông hơi. Khi mưa thì kéo tấm bạt phủ kín. Những căn lều chúng tôi nghỉ thường có 4-5 cái giường đặt vòng quanh. Trên vách thường treo hình Thành Cát Tư hãn (người sáng lập Đế quốc Mông Cổ xưa). Bàn hoa văn sặc sỡ đặt giữa lều ngay cạnh lò sưởi nối với ống khói xuyên qua mái. Khi ở miền nam , giữa vùng sa mạc Gobi, ngủ trong lều tuy cũng lạnh nhưng chưa cần phải đốt lò sưởi. Nhưng tiến dần lên phía Bắc, thì ngay giữa mùa hè chúng tôi vẫn phải nhóm lò sưởi ấm ban đêm và tận dụng đặt nồi nước trên bếp lò để có nước ấm rửa mặt đánh răng. Gỗ thông cho vào cháy nỏ tàn nhanh, nên lúc còn thức thì nóng rực, nhưng đến giữa đêm, thường bị lạnh cóng. Đến mức, sau đó khi qua cố đô Kharkhorin phải mua thêm túi ngủ, ngoài chăn đệm có sẵn trong lều.
Thời xưa, người Hung Nô (Mông Cổ) không có khái niệm xây nhà mà chỉ có dựng lều. Lùa đàn gia súc (cừu, dê, ngựa, lạc đà, bò yak) đến đâu thì làm lều đến đấy. Đó là một thứ rất cơ động. Thậm chí các Khả hãn (thủ lĩnh, vương) còn đặt nguyên cả lều lên cái xe to như cái sân nhỏ rồi cho ngựa kéo đi khắp nơi đến chỗ cần hạ trại. Trên tờ tiền Mông Cổ mệnh giá 500 và 1000 hiện nay có hình minh hoạ cỗ xe chở lều của Thành Cát Tư hãn.
Đến giờ, sau 8 thế kỷ du nhập kỹ năng xây nhà từ nước ngoài, người Mông Cổ vẫn tha thiết coi cái lều như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Ở thảo nguyên hay sa mạc đã đành, ngay trong các thành phố, bên cạnh ngôi nhà gỗ hoặc nhà xây, các gia đình vẫn thường dựng thêm cái lều tròn trong sân. Thậm chí họ còn làm lều ở trên sân thượng. Ngay đêm đầu tiên tại thủ đô Ulanbataar chúng tôi đã ở trong một căn lều như thế trên sân thượng của một guest house - vốn là một toà nhà kiểu tỉnh lẻ Nga ngày xưa. Và 15 ngày tiếp sau đó cũng chỉ sống trong lều của dân du mục . Chỉ 2 đêm cuối về lại thủ đô là ngủ trong căn hộ kiểu Nga cũ. Nhưng thành thực mà nói những đêm ngủ lều vẫn ngon giấc hơn. Không hiểu do bầu trời đầy sao, ngọn gió thảo nguyên phóng túng hay tiếng cát hát vi vu dễ đưa ta vào giấc ngủ hay do chúng tôi đã quen với nhịp sống du mục. Nhưng chất du mục không chỉ thể hiện ở cái lều…
Chắt chiu từng giọt nước, nâng niu mọi nguồn nước
Ám ảnh nhất với bọn tôi trong hành trình du mục là cách dùng nước của dân bản địa. Theo quan sát, dường như chỉ thủ đô là có nước máy dẫn đến các khu nhà. Còn các thành phố khác thì dân vẫn phải tích nước vào các xi-téc và múc ra dùng dần. Ở các khu trại ngoài thảo nguyên hoặc sa mạc chỉ thấy mấy can nước để ăn uống, hầu như chẳng trại nào có nhà tắm. Hằng ngày cậu HDV phải mua nước đóng chai ở thị trấn để phát cho mỗi người 1 chai nước uống. Mỗi người có khoảng nửa lít nước/ngày cho vệ sinh cá nhân. Khoảng 3-4 ngày mới gặp một thành phố có nhà tắm công cộng. Vé tắm nước nóng là 2-3 nghìn Tuvgrok (khoảng 24-36k VNĐ), cả lũ bảo nhau giá họ đòi 100k thì cũng vẫn vui. Được tắm lúc đó thấy đúng như là lên tiên. Một nhu cầu nhỏ nhoi hàng ngày được thoả mãn giữa vùng hoang vu này sao thấy quý giá thế. Hôm nào được đi nhà tắm công cộng thì là một ngày hội thực sự, náo nức chuẩn bị đồ từ chiều hôm trước để khi qua thành phố là có thể phi vào cho nhanh. Chỉ duy nhất một lần, nghỉ lại khu lều bên sông là có nhà tắm, lấy thẳng nước sông lên và tất nhiên cũng phải trả tiền.
Đi Mông Cổ tất cả chúng tôi đều lây bệnh dè xẻn nước. Sau 2 ngày của hành trình, chúng tôi có thêm thói quen giữ lại vỏ chai để đến đâu thấy có nước là tìm cách lấy tích trữ. Vào nhà tắm công cộng, đứa nào cũng thủ theo chùm chai rỗng để hứng nước máy. Ra hồ cũng nhăm nhăm múc nước vào chai. Đến khe núi nào thấy có suối chảy cả lũ ra sức moi sỏi tạo hố rồi vục bát tát nước vào can, chai và cái túi đựng nước chuyên dụng của nhóm để nấu ăn và vệ sinh hằng ngày. Trông mỏng manh như một rãnh nước trên đường, nhưng suối chảy liên tục, nước rất trong, mấy cậu lái xe đều khoái uống trực tiếp nước này hơn là nước đóng chai.
Không phải chỉ những người sống giữa thảo nguyên, sa mạc, mà ngay cả những người sống cạnh nguồn nước dồi dào như sông hồ, giếng lớn, cũng đều dùng nước rất tằn tiện. Có lẽ đây là thói quen ngàn đời của dân du mục. Ngồi ngay bên suối mà cậu HDV cũng chỉ dùng 1 nồi nước nhỏ để rửa toàn bộ đống bát đĩa cho 15 người.
Lên phía bắc có nhiều hồ lớn, đặc biệt trong đó có hồ Khuvsgol sâu rộng như biển, được mệnh danh là em của hồ Baikal, chiếm tới 1% lượng nước ngọt sạch của thế giới, nhưng dân bản địa vẫn chắt chiu từng giọt. Những cái bồn rửa tay ở đây luôn được thiết kế rất thủ công nhưng cứ buông tay đẩy là ngừng nhỏ giọt.
Người Mông Cổ rất có ý thức bảo vệ nguồn nước. Họ có những cái hồ sạch đẹp nước trong như pha lê vì không bao giờ vứt rác hay đổ nước thải xuống hồ. Có chỗ như hồ Trắng chỉ cho phép tắm, chứ không cho giặt (bạn tôi vừa bơi hồ xong, chỉ giũ bộ quần áo mà bị nhắc ngay). Còn ở biển hồ Khovsgol thì mắt tôi chưa thấy ai nhảy xuống tắm, dù dân nghỉ mát bên hồ rất đông. Phần lớn nhà vệ sinh hoặc nhà tắm (nếu có) đều ở trong rừng hoặc rất xa nguồn nước , làm bẩn nguồn nước là điều tối kỵ.